Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Sở hữu 7.000 siêu xe, 1 chiếc Boeing 747 và 1 chiếc Airbus 340 hay một cung điện rộng lớn dát vàng cả trong lẫn ngoài... chỉ là một phần nhỏ trong khối tài sản khổng lồ hàng triệu người mơ ước của Quốc vương Brunei

Sultan Hassanal Bolkiah (Quốc vương Brunei) là một trong những Quốc vương giàu có nhất trên thế giới với tài sản ròng khoảng 20 tỷ USD, theo số liệu thống kê của Forbes tính đến hết 2013.


Số tài sản khổng lồ sở hữu bởi Quốc vương Brunei là nhờ quyền lực điều khiển toàn bộ đất nước của ông cũng như việc buôn bán dầu mỏ và khí đốt của nước này. Theo ước tính của các cơ quan nghiên cứu địa chất, số lượng dầu mỏ ở Brunei còn đủ để khai thác tới 25 năm nữa. Cùng khám phá cuộc sống giàu sang tột cùng của vị vua này.

Sở hữu 7000 siêu xe

Không chỉ là người được biết đến khi sở hữu khối tài sản lớn nhất thế giới, Quốc vương Brunei, Hassanal Bolkiah còn nổi tiếng với thú vui sưu tầm xe ô tô siêu hạng của mình. Tính cho đến đầu năm ngoái, vị quốc vương này đang sở hữu khoảng hơn 7.000 chiếc xe siêu sang, siêu đắt và siêu tốc độ.


Với giá trị ước tính hơn 5 tỷ USD, lượng xe khổng lồ trên được nhà vua Brunei để ở 5 nhà chứa máy bay bí mật. Hiện vị vua này vẫn đang nắm kỷ lục Guiness là người sở hữu nhiều xe nhất thế giới.

Một tính toán vui cho thấy, nếu ngài Quốc vương sử dụng mỗi ngày một chiếc xe, thì phải mất tới mười ba năm rưỡi để toàn bộ 7.000 xe được lăn bánh.

Hầu hết những chiếc xe trong bộ sưu tập không lồ này được cất giữ tại 5 kho chứa máy bay bí mật với một đội ngũ các chuyên gia thuộc rất nhiều nhà sản xuất xe hơi khác nhau nhằm giữ cho những chiếc xe luôn được ở trong điều kiện tốt nhất. Theo Daily Mirror, đến cuối tháng 6-2010, bộ siêu tập này bao gồm 604 chiếc Rolls Royce, 574 chiếc Mercedes – Benz, 452 chiếc Ferrari, 382 chiếc Benley, 209 chiếc BMW, 129 chiếc Jaguard, rất nhiều xe Koenigsegg, 21 chiếc Lamborghini, 11 chiếc Aston Martins, 2 chiếc McLaren F1 và 1 chiếc SSC.

10 trong số 11 chiếc Aston Martin là siêu xe vô cùng hiếm được sản xuất giới hạn Aston Martin o­ne – 77. Siêu xe khủng này chỉ được sản xuất 77 chiếc, nhưng Quốc vương Brunei đã sở hữu tới 10 chiếc. 2 chiếc McLaren F1 cũng được sơn đặc biệt để phù hợp với sở thích của đức vua. Những chiếc xe cực hiếm này thật sự khiến bộ sưu tập trở nên kì diệu.

Chưa hết Hassan Bolkiah sở hữu 2 chiếc Ferrari Mytho hiếm có, 1 chiếc Jaguar XJ220 độc nhất được thiết kế bởi chính Pininfarina, một chiếc Benley Java, một chiếc Benley Dominator 4x4, chiếc Mercedes CLKGTR duy nhất có tay lái bên phải được thiết kế riêng cho Đức vua, chiếc Porche Carma duy nhất, chiếc Koenigsegg Agera CC GT và Cicero BDB Maestro cũng là những concept duy nhất được sản xuất.

Rõ ràng, mục đích của việc thiết kế ra những chiếc xe độc đáo như vậy là để chạy trên đường, không ai có thể lí giải nổi tại sao các nhà sản xuất lại cung cấp những chiếc xe đắt tiền và độc nhất như vậy cho một người mà chỉ cất giữ những chiếc siêu xe của mình trong kho.

Cung điện dát vàng lớn nhất thế giới

Cung điện Hoàng gia Istana Nurul Iman hiện là nơi ở của Quốc vương và những người thuộc dòng dõi hoàng tộc. Hiện tại, đây là cung điện có diện tích rộng nhất thế giới lên tới 200.000m2, tọa lạc trên ngọn đồi phủ bóng cây xanh, mặt tiền hướng về phía Nam thủ đô Begawan.


Cung điện gồm 1788 phòng với 257 phòng tắm, 51.000 ngọn đèn, 44 cầu thang bộ, 18 cầu thang máy, 5 hồ bơi, chuồng nuôi ngựa và garage đủ lớn để chứa tới 110 xe ô tô. Phòng khách cung điện có thể đón tiếp được 4000 khách mời cùng lúc. Trong khi đó, văn phòng nơi Quốc vương làm việc được ví như khách sạn siêu sang. Đặc biệt, phía trên cung điện là mái vòm bằng vàng. Được biết, tổng chi phí xây dựng cung điện lên tới 1.4 tỷ USD.

Tổ chức đám cưới cho con trai siêu xa hoa

Cách đây không lâu, cả thế giới đã phải ngỡ ngàng trước đám cưới xa hoa của Hoàng tử Abdul Malik, con trai của Quốc vương Brunei được tổ chức tại cung điện dát vàng Istana Nurul Iman. Đây được xem là một trong những đám cưới ấn tượng nhất thế giới được hàng triệu người mơ ước.

Cặp cô dâu chú rể cùng mặc bộ lễ phục đính kim cương, đi giày nạm pha lê và đeo vương miện, vòng khuyên làm từ kim cương ngọc bích. Thậm chí cả bó hoa cầm tay của cô dâu cũng được làm bằng loại đá quý rực rỡ đắt tiền.

Trong buổi lễ ra mắt, một nhóm gồm 4 người tế lễ bước vào hội trường, thắp lên 4 ngọn nến vàng. Sau đó, cô dâu tiến vào lễ đường. Theo sau là 7 bà mối, mang khay bạc để hoa, khay đựng đồ bạc, bộ 16 ấm nước bằng bạc, quạt thêu mạ vàng, khạp, khay đựng thuốc, khay vàng đựng trầu. Ngoài ra, còn có 16 phù dâu, mang 16 cây nến và một nhóm phù dâu khác, mang 4 hộp bạc đựng trầu.

Tiếp theo đó, 40 vệ sĩ mang khiên, giáo, súng tháp tùng chú rể bước vào. Hoa cưới cô dâu làm bằng pha lê, trên người cô đeo bộ trang sức gồm vương miện, vòng cổ và nhẫn được làm bằng ngọc lục bảo cỡ lớn. Buổi tối, tiệc cưới diễn ra trong phòng tiệc có sức chứa 5.000 người.

Sở hữu máy bay khủng

Quốc vương Hassanal còn sở hữu riêng hẳn 1 chiếc Airbus 340, 1 chiếc Boeing 747 và 6 phi cơ nhỏ, 2 trực thăng khác. Nội thất bên trong chiếc máy bay Airbus 340 và Boeing 747 của ông còn được thiết kế riêng với phong cách hoàng gia sang trọng.


Và những sở thích siêu tốn kém khác

Ngoài ra Quốc vương còn có sở thích đặc biệt với ngựa polo và đang sở hữu khoảng 200 con ngựa polo với chuồng nuôi hiện đại được trang bị cả hệ thống điều hòa.

Còn với sở thích khác như du lịch hay vũ khí, ông cũng sẵn sàng thuê hẳn 150 người tùy tùng cảgia đình trong mỗi chuyến đi du lịch hay chi hẳn 1 triệu USD để nhấn nút phóng một quả tên lửa vào bãi sắt vụn.

>>> góc nhìn cuộc sống

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Mới đây, bức ảnh chụp chàng trai ngồi cắt tóc cho người vô gia cư dưới ánh đèn flash điện thoại được rọi sáng từ mọi người xung quanh đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Ngay sau khi bức ảnh được đăng tải trên các diễn đàn mạng, hành động của chàng trai đã nhanh chóng nhận được nhiều bình luận khen ngợi, cùng hàng trăm lượt like (thích) và chia sẻ của dân mạng.
 

Nhân vật có hành động đẹp trong bức ảnh là anh Nguyễn Hoàng Trà (sinh năm 1991), hiện đang là chủ một salon tóc ở Hà Nội.

Đêm 30/9, anh tham gia hoạt động tình nguyện cùng một nhóm bạn trẻ tại Hà Nội. Chàng trai 9x này cho hay: “Tình cờ lên mạng biết được nhóm tình nguyện về đêm nên mình đã đăng ký tham gia. Đêm đó, được tham gia cùng nhóm tình nguyện đi tặng quà cho người vô gia cư ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội), có một cụ bà muốn được cắt tóc và mình sẵn sàng cắt cho bà”.
 

Hoàng Trà cho biết thêm, công việc cắt tóc cho khách vẫn diễn ra đều đặn hằng ngày nhưng đêm đó, khi cầm kéo cắt tóc cho cụ bà, anh lại có một cảm giác khác lạ, "đó là cảm giác hồi hộp, hạnh phúc và mình đã cắt tóc bằng cả trái tim".

Hoàng Trà cho biết thêm, những người sống lang thang, không có nhà nên họ không có chỗ để gội đầu thường xuyên. Vì thế tóc họ rất bết và rối. "Và mình đã mất khoảng 30 phút để cắt xong tóc cho cụ bà".

Hoàng Trà cũng cho hay, chương trình cắt tóc miễn phí cho người nghèo, người vô gia cư sẽ tiếp tục thực hiện vào buổi đêm các ngày thứ 4 trong tuần ở nhiều địa điểm ở Hà Nội.
 

Chia sẻ về những hành động của Hoàng Trà, anh Trần Minh Quân, trưởng nhóm tình nguyện cho biết, Trà là người ít nói nhưng tham gia tình nguyện rất nhiệt tình. Ngay khi biết cụ bà có ý muốn cắt tóc, Trà luôn nhiệt tình hỏi cụ muốn cắt kiểu gì, cắt thế nào, rồi tư vấn cho cụ như với một khách hàng. Trong lúc cắt, Trà rất chú tâm mà không nói gì nhiều.

“Tuy đây là việc làm nhỏ, nhưng chứng kiến nụ cười hạnh phúc của cụ bà và người cắt tóc, những người đứng xem đều cảm thấy xúc động”, anh Quân nói.

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015


VKSND Tối cao nhiều lần chỉ đạo xem xét và bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Chiếm Phái nhưng đến khi ông qua đời, VKSND tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa thực hiện.

28 năm mang án giết người

34 năm trước, ông Huỳnh Chiếm Phái (SN 1931) là đội trưởng Đội Sản xuất thôn Phong Phú, xã Ninh Giang, huyện Ninh Hòa, tỉnh Phú Khánh (nay là phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Ngày 18-10-1981, ông Phạm Ngựu, Chủ tịch UBND xã Ninh Giang, sau khi họp tại nhà đội trưởng Phái về thì bị bắn chết.


Cho rằng ông Phái là nghi phạm giết người, ngày 17-12-1981, Công an huyện Ninh Hòa khởi tố bị can. Đến ngày 18-2-1982, Công an tỉnh Phú Khánh ra lệnh bắt tạm giam ông Phái. Đến ngày 2-2-1983, ông Phái nhận được lệnh tạm tha của VKSND tỉnh Phú Khánh với lý do: tuổi già, sức khỏe bị sút kém nên không cần thiết phải giam giữ tiếp.

“Từ một đội trưởng sản xuất khỏe mạnh, ra tù, bố tôi như người sắp chết. Gia đình phải đưa võng khiêng về. Đôi chân ông cũng không còn đi lại được nữa” - ông Huỳnh Chiếm Lạc, người con thứ 4 của ông Phái, bức xúc.

Theo đơn khởi kiện mà ông Huỳnh Chiếm Hoạnh (con ông Phái; hiện ngụ tại xã EaKtur, huyện CưKuin, tỉnh Đắk Lắk) được cha ủy quyền, suốt 28 năm, ông Phái mang thân phận nghi can giết người vì ngoài giấy tạm tha trên, ông không còn nhận bất kỳ giấy tờ nào khác. Vì vậy, ngày 19-8-2009, ông Hoạnh đã làm đơn đề nghị cơ quan chức năng điều tra vụ án để làm rõ cha ông có phải là nghi phạm không.

Đến ngày 1-10-2009, ông Phái làm đơn kêu oan và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Hai tháng sau, VKSND tỉnh Khánh Hòa mời gia đình ông Phái làm việc. “Đến đây, gia đình tôi mới biết VKSND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định đình chỉ điều tra đối với cha tôi. Gia đình đề nghị nhận quyết định này, VKSND tỉnh yêu cầu chúng tôi phải rút đơn đòi bồi thường thì mới cho nhận nhưng đó cũng chỉ là bản photocopy” - ông Hoạnh cho hay.

Theo VKSND tỉnh Phú Khánh trước đây, lý do đình chỉ điều tra là vì không đủ bằng chứng buộc tội ông Phái giết người. Trước yêu cầu của gia đình, ngày 24-12-2009, đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa đã đến xã Ninh Giang chính thức thông báo với chính quyền địa phương về việc đình chỉ điều tra đối với ông Phái và yêu cầu khôi phục quyền lợi hợp pháp cho ông. Biên bản làm việc hôm đó không nhắc đến việc xin lỗi hay bồi thường cho ông Phái.

Từ năm 2009 đến nay, gia đình ông Phái đã nhiều lần làm đơn gửi đến VKSND tỉnh Khánh Hòa, VKSND Tối cao yêu cầu bồi thường oan sai cho ông. “Chúng tôi yêu cầu bồi thường không phải vì tiền mà vì danh dự, vì sự công bằng đối với cha tôi…, để ông có thể yên nghỉ ở suối vàng” - ông Hoạnh mong mỏi.

VKSND Tối cao đã gửi các công văn ký ngày 16-7-2012, 20-10-2011 và 28-2-2011 yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa xem xét và tiến hành các thủ tục để bồi thường cho ông Phái theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, đến nay, việc bồi thường oan sai cho ông vẫn rơi vào im lặng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Minh, Viện phó VKSND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng vụ này có nhiều quan điểm khác nhau nên khó xử lý. Về việc không trao quyết định đình chỉ điều tra cho ông Phái, ông Minh cho biết không rõ vì vụ việc xảy ra đã quá lâu.

“Chúng tôi cũng phải xin hồ sơ bên Cơ quan CSĐT, còn sót lại quyết định đình chỉ điều tra ấy. Hồi đó, cả những người thực hiện quyết định đình chỉ này cũng không lưu hồ sơ và không làm biên bản giao nhận. Nó lằng nhằng ngay ở chỗ đó!” - ông Minh thừa nhận.

Dù ngày 11-12-2012, ông Hoạnh được cha ủy quyền khởi kiện VKSND tỉnh Khánh Hòa ra TAND thị xã Ninh Hòa để đòi bồi thường oan sai nhưng mãi đến ngày 6-1-2014, TAND thị xã Ninh Hòa mới thụ lý vụ án. Đến nay, vụ việc vẫn chưa đưa ra xét xử. “Đối với những vụ phức tạp, tòa cần phải có thời gian” - Chánh án TAND Ninh Hòa, bà Lê Thị Toàn, lý giải.

Trong khi mỏi mòn chờ đợi được minh oan thì ngày 22-3-2015, ông Phái qua đời. Ông Nguyễn Thạnh Nhi, Chủ tịch UBND phường Ninh Giang, xác nhận ông Phái qua đời do bệnh tuổi già.

Trong khi đó, theo gia đình, ngày 22-3, nhân có đám cưới người thân, con cháu về đông đủ, ông Phái đi xe lăn ra sau nhà rồi thắt cổ tự tử. “Ông không thể chịu nổi những ngày tháng đợi chờ để được bồi thường. Ông đã nhiều lần tự tử hụt rồi, uống thuốc độc có, thắt cổ có. Ở nhà, tôi phải giữ ông còn khó hơn giữ con trẻ, vậy mà cũng không được…” - bà Đàm Thị Ánh, con dâu ông Phái, buồn bã. Trong đơn khởi kiện khi ông Phái còn sống, ông Hoạnh cho hay cha ông cũng đã nhiều lần đòi tự tử.

>>> góc nhìn cuộc sống

Liên kết hữu ích

Bài Đăng Phổ Biến